2. GIA-CỐP VÀ Ê-SAU

>> Trích trong sách “Bí mật sự tha thứ tội lỗi và sự tái sanh” – Ms Park

2. GIA-CỐP VÀ Ê-SAU

  Trước tiên tôi xin đọc Kinh thánh. Tôi xin đọc Sáng-Thế Ký ở Kinh thánh Cựu-ước đoạn 27 từ câu 1.

“Bởi Y-sác đã già, mắt làng chẳng thấy được nữa, bèn gọi Ê-sau, con trưởng-nam, mà rằng: Hỡi con! Ê-sau thưa rằng: Có con đây. Người bèn nói rằng: Nầy, cha đã già rồi, chẳng biết ngày nào phải chết; vậy bây giờ, cha xin con hãy lấy khí-giới, ống tên và cung con, ra đồng săn thịt rừng cho cha, dọn một món ngon tùy theo cha sở-thích; rồi dâng lên cho cha ăn, đặng linh-hồn cha chúc phước cho con trước khi chết. Vả, đương khi Y-sác nói cùng Ê-sau con trai mình, thì Rê-bê-ca có nghe. Ê-sau bèn ra đồng săn thịt rừng đặng đem về cho cha. Rê-bê-ca nói cùng Gia-cốp, con trai mình, rằng: Nầy, mẹ có nghe cha nói cùng Ê-sau, anh con, và dặn rằng: Hãy đem thịt rừng về cho cha, dọn một món ngon cha ăn; đặng trước khi qua đời, cha sẽ chúc phước cho con trước mặt Đức Giê-hô-va. Vậy, con ơi! bây giờ, hãy nghe mẹ và làm theo lời mẹ biểu:

Hãy ra ngoài bầy, bắt hai dê con tốt, rồi mẹ sẽ dọn cho cha con một món ngon, tùy theo người sở thích; con sẽ đem cho cha ăn, đặng người chúc phước con trước khi qua đời. Gia-cốp thưa lại cùng mẹ rằng: Thưa mẹ, Ê-sau, anh con, có lông, còn con lại không. Có lẽ cha sẽ rờ mình chăng, coi con như kẻ phỉnh-gạt, thì con chắc lấy cho mình sự rủa-sả, chớ chẳng phải sự chúc phước đâu. Mẹ đáp rằng: Con ơi! xin sự rủa-sả đó để cho mẹ chịu; hãy cứ nghe lời mẹ, ra bắt hai dê con. Vậy, Gia-cốp đi bắt hai dê con, đem lại cho mẹ, làm món ngon, tùy theo cha sở thích. Đoạn Rê-bê-ca lấy quần áo tốt nhứt của Ê-sau, con trưởng-nam, sẵn để trong nhà, mà mặc vào cho Gia-cốp, con út mình; rồi người lấy da dê con bao hai tay và cổ, vì tay và cổ Gia-cốp không có lông. Rê-bê-ca bèn để món ngon và bánh của mình đã dọn vào tay con út mình. Gia-cốp bưng đến cha mình và nói rằng: Thưa cha! Y-sác đáp: Có cha đây; con là đứa nào đó? Gia-cốp thưa: Tôi là Ê-sau, con trưởng-nam của cha; con đã làm theo lời cha dặn biểu; xin cha dậy, ngồi ăn lấy thịt săn của con, đặng linh-hồn cha sẽ chúc phước cho con. Y-sác hỏi rằng: Sao con đi săn được mau thế? Thưa rằng: Ấy nhờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của cha xui tôi gặp mau vậy. Y-sác nói cùng Gia-cốp rằng: Hỡi con! Hãy lại gần đặng cha rờ thử xem có phải là Ê-sau, con của cha chăng? Gia-cốp bèn lại gần Y-sác; người rờ và nói rằng: Tiếng nói thì của Gia-cốp, còn hai tay lại của Ê-sau. Người chẳng nhận biết đặng vì hai tay cũng có lông như của anh, là Ê-sau. Vậy Y-sác chúc phước cho”.

 

Tôi đã đọc đến câu 23.

Thưa quý vị thân mến, tối hôm qua tôi giảng xong, về nhà và nói chuyện cùng với các  mục sư và có một mục sư nói rằng: “Mục sư Park ơi, mục sư giảng nhanh quá nên tôi không thể hiểu kịp”. Vì tôi ở tỉnh Kyung-sang đến Seoul nên người ta nói họ không hiểu lời tôi nói. Vì thế khi tôi giảng tôi rất để ý… Sáng hôm nay tôi định nói từ từ nhưng tôi không biết là có được hay không. Tôi mong quý vị hãy giúp tôi. Trong tục ngữ có câu “Dù nói như bánh ngải cứu nhưng hãy hiểu như bánh nếp” phải không? Đây là Pu-san và tôi cũng là người Kyung-sang nên tôi nghĩ quý vị sẽ hiểu rõ và tôi xin nói tiếp.

Hôm nay tôi định nói tiếp tục về phần nhận sự tha thứ tội lỗi. Tối hôm qua, có người nghe giảng và nói là tôi không nói gì về việc nhận sự tha thứ tội lỗi như thế nào mà chỉ nói những chuyện lung tung thôi. Vâng, đúng rồi. Khi làm ruộng không phải gieo giống liền mà phải cày xới đất thì giống như vậy, vì suy nghĩ của Đức Chúa Trời và suy nghĩ của con người có sự khác nhau nên để chấp nhận nguyên vẹn Ngôi lời của Đức Chúa Trời thì trước tiên phải cày xới đất của tấm lòng.

Hôm nọ, có một chị em sống xa Hội thánh chúng tôi, gặp tôi và mời rằng: “Mục sư ơi, tối hôm nay xin mục sư nhất định hãy đến nhà chúng tôi một lần nhé”. Nên tôi đã hứa rằng nhất định sẽ đến. Vì tôi không biết rõ nhà của chị em đó nên chúng tôi hẹn gặp nhau ở trạm Gae-bong. Vì hôm đó tôi rất bận nên khó khăn lắm mới có thể đến trạm Gae-bong lúc năm giờ chiều, tôi nghĩ chị em đó đã đến rồi nhưng tôi chờ hoài cũng không thấy đến. Dù tôi chờ trong năm phút, mười phút, hai mươi phút nhưng không đến nên cảm thấy hơi bực bội. Tôi nghĩ: “Phải quay về thôi” và mới lên xe thì từ phía bên kia chị em đó hối hả chạy đến.

Khi tôi hỏi: “Sao đến trễ như vậy?” thì chị em đó trả lời rằng: “Tôi đã đến hai mươi phút trước và nghĩ rằng mục sư sẽ đến đường cao tốc Kyung-in nên tôi ở đó chỉ đợi xe đến”. Vì chị em đó luôn đi lại bằng xe buýt nên hình như chị em tưởng rằng tôi sẽ đến bằng đường xe buýt. Nhưng vì đường cao tốc Kyung-in quá kẹt xe nên tôi đã đi bằng đường cao tốc Soon-hwan phía Nam. Nơi chúng tôi hẹn gặp là trạm Gae-bong nhưng chị em đã thêm một chút suy nghĩ của mình vào lời hẹn nên chỉ đợi tôi đến ở đường cao tốc Kyung-in. Nhìn vô số chiếc xe đi ngang qua đường cao tốc Kyung-in thì đã khổ biết bao trong thời gian gần một tiếng! Thưa quý vị, chúng ta có thể nhìn chị em đó và trách chị em đó xấu được không? Có thể nói chị em đó đã sai không? Về việc chúng ta sinh hoạt tín ngưỡng, nếu chúng ta không chấp nhận nguyên vẹn Ngôi lời của Đức Chúa Trời và chỉ thêm một chút suy nghĩ của chúng ta thì hậu quả sẽ là đi đến nơi hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của Đức Chúa Trời và chờ đợi ở đó để gặp Đức Chúa Trời.

Là mục sư, ăn cơm rồi làm những việc gì? Sáng sớm thức dậy cầu nguyện, ăn sáng rồi đọc Kinh thánh, ăn trưa rồi đi thăm viếng sau đó ăn tối rồi dẫn dắt nhóm truyền giảng và đi ngủ… Vì thế tôi không có việc gì khác để làm nên nếu rảnh thì tôi đọc Kinh thánh. Có một lần tôi đang đọc Kinh thánh thì cảm thấy không vui nên nghĩ rằng: “Nếu muốn gặp Đức Chúa Trời thì phải làm sao?” và bắt đầu tìm trong Kinh thánh. Đức Chúa Trời muốn gặp chúng ta nhưng Ngài không nói cho chúng ta nơi có thể gặp.

Nhưng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt thì biết rõ Chúa Jêsus ở đâu. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã biết Chúa Jêsus ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê nhưng đến gặp Chúa Jêsus với mục đích khác.

Tôi đã tìm thử trong Kinh thánh phải đến đâu mới có thể gặp được Đức Chúa Trời. Làm như thế nào thì mới gặp được Chúa? Đến nhà nguyện thì gặp được không? Hay đến núi thì được? Có lần nào đó một giáo sĩ Hà Lan nói rằng những người Hàn Quốc suy nghĩ phải đi đến núi mới có thể gặp Đức Chúa Trời và nói:

“Người Hà Lan chúng tôi gặp chuyện lớn rồi!”.

“Sao vậy?”.

“Vì ở Hà Lan không có một ngọn núi nào nên người Hà Lan chúng tôi không thể cầu nguyện trên núi được”.

Chẳng phải có chuyện lớn gì nhưng vì mặt đất Hà Lan thấp hơn mực nước biển nên không thể cầu nguyện trên núi, người đó nói vui thôi. Nhưng xem trong Kinh thánh Cựu-ước ở Xuất Ê-Díp-Tô Ký đoạn 25, Đức Chúa Trời đã chọn nơi để gặp chúng ta. Đó chính là nắp thi ân. Từ Sáng-Thế Ký đến Khải-Huyền, dù tôi cố gắng để tìm nơi Đức Chúa Trời cho chúng ta gặp cũng không tìm được nhưng xem trong Xuất Ê-Díp-Tô Ký đoạn 25 thì có thể biết được Đức Chúa Trời đã hứa gặp chúng ta trên nắp thi ân. Nắp thi ân là nơi tội lỗi được tha thứ mà chính nơi đó trở thành nơi chúng ta gặp Đức Chúa Trời. Bây giờ, điều quan trọng là chúng ta tìm ra điều Đức Chúa Trời muốn nói với chúng ta là điều gì trong Ngôi lời đã đọc hôm nay.

Có một người tên là Y-sác. Y-sác là ai? Là con trai của Áp-ra-ham phải không? Y-sác đã sanh Gia-cốp và Ê-sau mà con trai cả Ê-sau là thợ săn. Ê-sau là người đầy lông từ đầu đến chân nhưng ngược lại, Gia-cốp, em Ê-sau là người không có lông. Khi Y-sác lớn tuổi, mắt mờ và không nhìn thấy rõ phía trước và ngày chết đến gần thì kêu con trai cả Ê-sau yêu dấu và nói rằng:

“Giờ đây cha già và không biết khi nào chết nên con hãy lấy khí giới, ống tên và cung ra đồng săn thịt rừng cho cha, dọn một món ngon tùy theo cha sở thích; rồi dâng lên cho cha ăn thì cha sẽ chúc phước cho con trước khi chết”.

Ê-sau đã nghe điều này rồi chạy đi săn. Có lời nói rằng lịch sử diễn ra vào buổi tối và diễn ra bởi người nữ, ở đằng sau thì vợ của Y-sác – mẹ của Gia-cốp và Ê-sau – là Rê-bê-ca đã nghe điều đó. Rê-bê-ca đã nghe lén được câu chuyện thì đến bên Gia-cốp yêu dấu và nói rằng:

“Con ơi, cha con nói anh Ê-sau đi săn để chúc phước cho anh con mà con để anh lấy phước đi được hay sao? Đi nhanh, bắt một con dê con về đi. Vậy thì mẹ sẽ nấu món ngon cho con rồi con hãy cầm đi đến trước mặt cha và giả vờ như là anh con mà nhận phước thay đi”.

Gia-cốp nghe lời đó thì nói rằng:

“Mẹ ơi, việc đó thì không được. Anh con nhiều lông mà con chẳng có sợi lông nào nên nếu cha rờ một lần thì sẽ biết ngay, làm như vậy thì chẳng phải không lấy được phước mà còn bị rủa sả hay sao?”.

Rê-bê-ca nói rằng:

“Con đừng quá lo lắng. Nếu con bị rủa sả thì mẹ sẽ nhận thay mọi sự rủa sả của con nên con chỉ cần đưa sự rủa sả về cho mẹ, con đừng nói gì mà hãy làm theo như mẹ nói”.

Gia-cốp liền dắt một con dê con về thì người mẹ bắt và nấu món ngon mà cha thích nhất. Rồi lấy da dê con bao cổ và tay của Gia-cốp. Gia-cốp đến với cha và nói rằng:

“Cha ơi, con là Ê-sau. Con đã săn và làm món ăn ngon nên xin cha hãy ăn thật no và chúc phước cho con”.

Mắt Y-sác trở nên tối và mờ nên không thấy rõ nhưng nghe giọng nói thì thấy hơi lạ.

“Vậy hả? Làm sao con bắt nhanh như thế này?”.

“Vâng, thưa cha, khi con ra ngoài thì Đức Chúa Trời cho con gặp thú rừng một cách suôn sẻ nên khi con bắn cung một lần thì nó ngã liền”.

“Ừ, cha phải rờ con một lần để xem thử con có phải là Ê-sau, con của cha hay không”.

Khi Y-sác sờ thì thấy có lông nên đã ăn thức ăn, tưởng Gia-cốp là Ê-sau và chúc phước cho Gia-cốp. Đó là nội dung Kinh thánh sáng hôm nay chúng ta đã đọc.

Tôi có một người bạn đang làm giáo sĩ ở khu rừng Brazil. Tại đó có một con sông lớn tên là Amazon đang chảy mà bề rộng của con sông đó khoảng hơn 40 km. Hôm nọ, một con thuyền nhỏ từ biển vào trong con sông đó. Con thuyền đó đã ra khơi trong thời gian dài thì giờ đây nước uống đã cạn và những người trên thuyền sắp xỉu vì khát nước. Lúc đó có một con thuyền khác đang đến từ phía bên kia. Con thuyền đó chắc chắn mới ra khơi nên chẳng phải có nhiều nước hay sao? Nên họ đã đến gần con thuyền đó và xin nước.

“Các thủy thủ thuyền chúng tôi đều khát và sắp chết, tiền thì chúng tôi sẽ trả bao nhiêu cũng được nên xin bán cho chúng tôi 50 ga-lông (Gallon) nước”.

Khi họ nói như thế thì những người trên thuyền kia mỉm cười và nói rằng:

“Sao không lấy cái thau múc nước ở dưới chiếc thuyền mà uống?”.

Và đi qua. Những người trên thuyền này tràn đầy mong đợi nhưng con thuyền kia bỏ đi, thế là họ cảm thấy thật nhẫn tâm và lầm bầm. Lúc đó, một thủy thủ trẻ cảm thấy  không tài nào chịu nổi và bắt đầu lấy cái thau múc nước. Một thủy thủ lớn tuổi bên  cạnh ngăn cản rằng:

“Này cậu kia, dù khát nước nhưng uống nước mặn sao được? Sẽ khát nước hơn và có chuyện lớn đấy”.

Nhưng thủy thủ trẻ cứ múc và uống ực ực. Rồi bỗng nhiên quăng cái thau và la lên rằng: “Nước sông đó!”. Thật ra, con thuyền đó đã vào trong con sông nhưng vì con sông quá rộng nên người ta cứ nghĩ rằng mình vẫn còn ở ngoài biển. Những người này đã ăn thức ăn và ngủ trên sông nhưng họ lại suýt chết vì khát nước.

Thưa quý vị, Tin lành chính là những điều như vậy. Ngày nay chúng ta không phải ở xa với sự chúc phước của Đức Chúa Trời. Trong số quý vị đang ngồi tại đây chắc là có rất nhiều người suýt chết vì khát nước dù ở trên sông giống như những người thủy thủ đó. Chúng ta đã đến trước mặt Chúa Jêsus là Đấng tha thứ tội loi và chúc phước cho chúng ta nhưng chỉ vì có một phần nào đó mà suy nghĩ của chúng ta không thể đạt đến. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự chúc phước kỳ diệu nhưng lý do chúng ta không thể nhận được điều đó là vì đáng lẽ phải đến trạm Gae-bong chờ nhưng lại đến đường cao tốc Kyung-in chờ thì giống như vậy, chúng ta đang thêm chút suy nghĩ của chúng ta vào Ngôi lời của Đức Chúa Trời.

Vì chúng ta thêm chút suy nghĩ của mình nên chúng ta trở nên rất cách xa với điều Đức Chúa Trời muốn nói với chúng ta. Giống như những người khổ sở và đau khổ vì khát nước dù đang sống trên nước, mặc dù Đức Chúa Trời ở gần nhưng lý do chúng ta không thể gặp được là vì có sự khác biệt một chút về suy nghĩ. Đức Chúa Trời biết điều đó và muốn cho chúng ta thấy ý muốn của Đức Chúa Trời thông qua Kinh thánh.

Vậy thì chúng ta hãy nói với nhau về sự thật Đức Chúa Trời muốn chỉ cho chúng ta điều gì qua Sáng-Thế Ký đoạn 27. Sáng hôm nay tôi muốn cho diễn viên xuất hiện để quý vị dễ hiểu và tôi cần bốn người. Trong vai người cha thì xin mời anh em Jo lớn tuổi và tôi xin tuyển diễn viên trong vai người mẹ. Xin đừng chần chừ mà hãy lên. Gia-cốp và Ê-sau thì xin mời các thanh niên ở phía trước lên. Vậy Đức Chúa Trời muốn chỉ cho chúng ta điều gì thông qua bốn diễn viên này?

Xem trong Kinh thánh chúng ta đã đọc, Y-sác có hai con trai. Một là Ê-sau và một là Gia-cốp mà Ê-sau là thợ săn còn Gia-cốp là người ở nhà chỉ bám váy mẹ mà sống. Bây giờ, câu chuyện xảy ra với họ là câu chuyện có liên quan hay không liên quan đến quý vị? Rõ ràng là câu chuyện liên quan đến quý vị. Khi tôi đọc một phần nào của Kinh thánh thì rõ ràng đây là câu chuyện liên quan đến tôi nhưng có nhiều lúc tôi không biết rõ ý nghĩa. Thế nhưng khi đọc Kinh thánh kỹ thì có thể biết được trong Kinh thánh này có giấu bí mật của Đức Chúa Trời. Khi biết được những bí mật hướng về chúng ta thì không biết điều đó trở thành ơn phước biết bao nhiêu!

Trong câu chuyện này người cha Y-sác đã nói với Ê-sau:

“Ê-sau ơi, hãy đi săn và làm món ngon cho cha đi. Vậy thì cha sẽ ăn món ăn đó và chúc phước thật nhiều cho con”.

Giờ đây, Ê-sau nghe lời của người cha và liền chạy đi săn vì có tấm lòng muốn nhận được sự chúc phước từ nơi cha. Nhưng người mẹ đã nghe được điều đó. Người mẹ nhìn thấy người cha chỉ muốn chúc phước cho con cả mà chẳng hề suy nghĩ đến việc chúc phước cho con trai thứ hai nên nghĩ rằng: “Không được rồi. Phải làm cho con trai thứ hai yêu dấu của mình cũng được phước mới được”.

Và để làm cho con trai thứ hai được phước thì nói rằng:

“Này Gia-cốp ơi, cha con định chúc phước cho anh con mà con để mất sự chúc phước đó được sao? Con hãy dắt một con dê con trong chuồng đến đây. Nếu bắt nhanh và nấu món ăn rồi đem đến cho cha thì cha sẽ ăn món đó và chúc phước cho con. Phước đó thật tốt biết bao!”.

Mắt của Gia-cốp trở nên long lanh:

“Mẹ của mình tốt thật. Mẹ thật là yêu mình”.

“Nhưng mẹ ơi, anh là người có nhiều lông và con là người không có lông, dù mắt cha mờ nhưng cha sẽ rờ thử mà? Nếu rờ thử rồi biết được con là Gia-cốp thì chẳng phải con bị rủa sả thay vì được chúc phước hay sao?”.

“Đừng lo. Mẹ sẽ nhận hết sự rủa sả mà con sẽ nhận. Con đừng lo và hãy đi lấy đi”.

Thế là Gia-cốp đi và dắt một con dê con về. Trong khi đó quý vị nghĩ Ê-sau đã làm gì? Mồ hôi chảy nhễ nhại và cố gắng chạy đi để bắt heo rừng, con hươu hay con thỏ phải không?  Đi qua ngọn đồi rồi qua ngọn núi và khổ sở biết bao? Gia-cốp không có gì khổ sở mà chỉ dẫn một con dê con về phải không? Người mẹ Rê-bê-ca xắn tay áo lên và nấu ăn, nướng rồi xào, xắt “cạch cạch” rồi bỏ cái này, cái kia vào và đã làm ra món ăn ngon. Đưa món ăn Y-sác thích nhất trên tay của Gia-cốp, cho mặc áo của Ê-sau rồi sau đó lấy lông dê con che lại những nơi không có lông và đi đến trước mặt người cha, Y-sác.

“Thưa cha!”.

“Con là ai vậy?”.

“Dạ, con là Ê-sau, con cả của cha”.

“Ủa? Con đã săn về rồi ư?”.

“Vâng, Đức Chúa Trời đã làm cho con gặp một cách suôn sẻ nên con bắt được liền. Giờ đây xin cha hãy ăn và ban phước cho con”.

“Để cha xem”.

Y-sác rờ và thấy có lông thì không nhận ra và đã chúc phước cho Gia-cốp. Sau khi Gia-cốp nhận hết lời chúc phước thì Ê-sau đổ mồ hôi đầm đìa, nấu ăn gấp gáp rồi đến gặp người cha:

“Cha ơi! Con đã đi săn và nấu món ăn rồi. Xin hãy chúc phước cho con”.

“Cái gì? Con là ai?”.

“Con là Ê-sau! Ê-sau, thưa cha!”.

“Cái gì! Ê-sau vừa mới đến mà con là Ê-sau hay sao? Sao lại là hai Ê-sau?”.

Người cha rất hoảng hốt.

“Em trai con, Gia-cốp đã làm như vậy!”.

“Thưa cha, không còn sự chúc phước nào để lại cho con hay sao?”.

“Không có!”.

“Cha ơi! Xin hãy chúc phước cho con!”.

Và Ê-sau cất tiếng lên khóc thì không phải nhận chúc phước mà là rủa sả.

“Ừ, nơi con ở sẽ thiếu màu mỡ của đất cùng sương móc trên trời sa xuống, con sẽ nhờ gươm mới được sống và làm tôi tớ cho em con”.

Chúng ta hãy gác lại ý muốn sâu sắc của Đức Chúa Trời chứa trong câu chuyện này một chút. Hai người nhận vai hai con trai xin hãy đứng phía trước đây. Hai con trai này muốn nhận được sự chúc phước nhưng một người đã nhận sự chúc phước còn một người đã bị rủa sả. Mặc dù quý vị cố gắng dâng hiến một phần mười, giữ ngày chủ nhật một cách giống nhau nhưng có người thì đầy dẫy ân điển nên nhận được sự chúc phước và có người thì bị rủa sả. Vậy thì phải làm như thế nào mới nhận được phước và làm như thế nào mà bị rủa sả? Tôi tin rằng Đức Chúa Trời đã ban Kinh thánh cho chúng ta để chúng ta biết được điều đó. Nếu chúng ta không biết ý nghĩa thuộc linh của Kinh thánh này thì dù chúng ta cố gắng theo khả năng mình cũng không được.

Đến bây giờ Tin lành đã vào Hàn Quốc hơn một trăm năm. Ngày xưa dân tộc chúng ta đã không tin Đức Chúa Trời. Họ thờ cúng con rồng, thần lửa, đến chùa thờ lạy, thờ cúng ma quỷ, thờ lạy tảng đá và mê tín dị đoan mà sống. Vì họ không biết Đức Chúa Trời là Đấng có thật nên họ chỉ có thể làm như vậy.

Nhưng Tin lành đã vào nơi đất này bằng xương máu và nước mắt của các giáo sĩ nên chúng ta mới biết được Chúa Jêsus và biết được Đức Chúa Trời. Chúng ta đã biết: “À! Đấng tạo nên thế gian này là Đức Chúa Trời. Đấng đó là Đấng vĩ đại. Chúa Jêsus yêu chúng ta”. Tuy đã biết được điều đó nhưng không biết rõ phải hầu việc Đấng ấy như thế nào.

Vì thế họ chỉ cố gắng theo kiểu là nếu thờ lạy thì ma quỷ cũng nghe. Họ cứ khóc và cầu nguyện suốt đêm, kiêng ăn, dâng hiến và cũng phụ giúp nhưng khi Đức Chúa Trời nhìn thì chắc là Ngài sẽ cảm thấy: “Lòng họ tràn đầy thành tâm nhưng cách thức của ta không phải là như vậy”. Vậy thì chúng ta phải bước đến trước mặt Chúa như thế nào? Vì con người không biết rõ cách thức đến trước mặt Đức Chúa Trời nên họ chỉ đi đến theo suy nghĩ của mình. Vì thế Đức Chúa Trời biết rằng nếu Đức Chúa Trời nói cho chúng ta câu chuyện về một người được phước và một người bị rủa sả trong hai người đi đến để nhận sự chúc phước thì qua câu chuyện Kinh thánh này con người sẽ phát hiện ra “À, Đức Chúa Trời nói chúng ta cũng hãy đi đến với Chúa bằng cách thức đó”. Do đó Ngài đã ghi chép Ngôi lời Kinh thánh này.

Thưa quý vị, không phải Đức Chúa Trời chán nên ghi chép Ngôi lời để cho vui. Người cha xuất hiện tại đây được thể hiện như hình bóng của Đức Chúa Trời và người mẹ là hình bóng của Chúa Jêsus Christ. Người anh, Ê-sau là hình bóng của người tự mình cố gắng nỗ lực để nhận được sự chúc phước. Người em, Gia-cốp là hình bóng của người nhận được sự chúc phước qua sự giúp đỡ của Chúa Jêsus dù chính mình chẳng có làm việc gì. Quý vị hiểu không? Rất dễ phải không? Đây là nhân của Kinh thánh. Nếu chỉ nhai vỏ của hạt dẻ hay đậu phụng thì bên trong miệng đều bị chích phải không? Giống như vậy nếu không biết nhân của Kinh thánh và chỉ nếm vị của vỏ Kinh thánh thì có ngon không? Cũng không có hay gì cả. Chúng tôi gọi nhân ở trong Kinh thánh là bí mật thuộc linh. Ê-sau này đã làm theo những gì người cha chỉ phải không? Đã nỗ lực phải không? Vất vả phải không? Nhưng đã nhận được sự chúc phước hay bị rủa sả?

“Con sẽ nhờ gươm mới được sống”.

Thưa quý vị, câu chuyện này là sự rủa sả đáng sợ biết bao? Nếu không cầm gươm chỉ trong chốc lát thì bất an bởi kẻ địch ở tứ phía nên không thể ngủ được mà ở đâu lại có sự rủa sả như thế này? Đối với người này, sự rủa sả là sương móc trên trời sẽ không sa xuống, mưa trên trời sẽ không rơi xuống và thiếu màu mỡ của đất. Trước kia khi tôi không biết những bí mật thuộc linh này thì tôi nghĩ: “Thật là kỳ! Nếu không có gì để chúc phước cho con trai thì sao không chúc phước là sanh nhiều con hay cho con trai trở nên giàu có hay khỏe mạnh?”. Y-sác không chúc những ơn phước đó mà đã nói gì với người con trai đã dốc hết sức đi săn về và vâng phục cha? Đã rủa sả. Điều này có nghĩa là dù mình vâng phục và cố gắng sống theo Ngôi lời của Đức Chúa Trời thì cũng chỉ nhận được sự rủa sả trước mặt Đức Chúa Trời mà thôi. Bởi vì chúng ta không thể vâng phục và giữ Ngôi lời của Đức Chúa Trời.

Chúng ta cũng không biết nhưng có lẽ Gia-cốp, con trai thứ hai chỉ chọn những việc xấu mà làm. Đến nỗi hơn cả Nol-bu là người làm những việc như đóng cọc vào quả bí, quấy rối cô gái đang đội xô nước trên đầu… Nói chung thì nó là đứa trẻ hay gây vấn đề và là tội nhân. Vì thế người cha yêu con cả và người mẹ yêu con trai thứ hai. Đức Chúa Trời yêu người hiền lành và Chúa Jêsus yêu tội nhân, phải không? Đúng như vậy. Ê-sau là người tự mình nỗ lực để đi đến trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài ghét nếu chúng ta tự mình cố gắng nỗ lực để đến trước mặt Ngài. Phải đến trước mặt Đức Chúa Trời bởi Chúa Jêsus.

Chúng ta hãy tiếp tục nói thử xem. Con trai thứ hai này đã được cha chúc phước thật nhiều. Có bao nhiêu phước thì đã nhận hết tất cả phước đó rồi phải không? Và Y-sác đã nói không còn gì để cho nữa phải không? Nhưng con trai này đã làm gì để nhận sự chúc phước? Đã cố gắng đi săn bắt ư? Đã không làm gì cả. Con trai này không có điều gì mình đã làm mà người mẹ đã chuẩn bị hết ở đằng sau để con trai có thể nhận được sự chúc phước. Nói về mặt thuộc linh thì chúng ta chỉ mang đi những gì Chúa Jêsus đã chuẩn bị hết để chúng ta nhận được sự chúc phước từ nơi Đức Chúa Trời. Khi Gia-cốp  nói với mẹ:

“Nếu con bị rủa sả thì làm sao?”.

Thì người mẹ trả lời rằng:

“Mẹ sẽ nhận thay sự rủa sả mà con sẽ nhận”.

Có nghĩa là Chúa Jêsus đã hứa sẽ nhận thay tất cả mọi sự rủa sả mà chúng ta sẽ nhận.

Có lý do hôm nay tôi chọn câu chuyện này và nói với quý vị. Tôi làm mục sư, đi đến nhiều Hội thánh, nhiều khu vực và làm chứng Ngôi lời của Đức Chúa Trời. Không biết họ có biết những Ngôi lời này hay không mà có vô số người tự mình cầu nguyện, rao giảng, dâng hiến một phần mười, không phạm tội và tự mình cố gắng để đi đến trước mặt Đức Chúa Trời.

Khoảng năm, sáu năm về trước, tôi đã dẫn dắt nhóm truyền giảng tại núi Ji-ri. Lúc đó nhiều người đã tập trung lại, vào buổi sáng hôm đó, sau khi giảng xong tôi đã nói:

“Trong số quý vị có người nào muốn nhận được sự tha thứ tội lỗi thì hãy đến lều của tôi”.

Sau khi giảng xong thì có nhiều người tập trung vào lều của tôi mà có lúc tôi cho năm người vào một lần, hay bốn người vào một lần, rồi nói từng bước từng bước về con đường nhận được sự tha thứ tội lỗi và nhiều người đã nhận được sự tha thứ tội lỗi. Đến gần giờ ăn tối mới kết thúc thông công và định nghỉ một lát thì có một người phụ nữ trẻ đến gặp tôi. Tôi hỏi cô ta vài điều và sau khi nghe kể thì tôi đã nói từng bước từng bước về làm như thế nào tội lỗi được tha thứ. Tội lỗi của chúng ta chuyển qua Chúa Jêsus như thế nào, bởi Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá và tội lỗi của chúng ta được rửa như thế nào, tội lỗi trong lòng của mình được giải quyết như thế nào và khi mình phạm luật pháp thì làm như thế nào… Và tôi đã nêu ví dụ hết tất cả về câu chuyện quan tổng binh Na-a-man hay câu chuyện vua Đa-vít phạm tội và nói tội lỗi được tha thứ như thế nào.

Sau khi nói xong những câu chuyện đó, cuối cùng tôi đã đọc Ngôi lời trong Kinh thánh Hê-Bơ-Rơ cho người phụ nữ đó trước khi tôi đi.

“Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội-lỗi gian-ác của chúng nó nữa”.

Người phụ nữ đó nghe Ngôi lời này và khóc nức nở. Thưa quý vị, vì là mùa hè nên tôi đã để cửa mở nhưng người phụ nữ trẻ cứ khóc nức nở trước mặt tôi mà lỡ ai thấy thì sẽ nói rằng tôi đánh đập cô ta nên tôi sợ quá và nói đừng khóc nữa. Dù tôi nói bao nhiêu nhưng hình như cô ta vẫn khóc khoảng gần một tiếng. Tôi rất bối rối. Để một mình cô ta lại và đi cũng hơi kỳ nên tôi khuyên là hãy bình tĩnh đi. Người phụ nữ đó ngưng khóc và kể về những ngày đã qua.

“Mục sư ơi, mẹ tôi qua đời khi tôi học cấp II và mẹ ghẻ đã đến. Vì lòng tôi không hợp với mẹ ghẻ nên đã lấy học phí mà ba tôi cho và xách cặp ra khỏi nhà”.

Học sinh nữ này đến thành phố nhưng không may bị bắt về nơi buôn bán mại dâm và ở tại đó nhiều năm. Người đó sống buông thả chính mình với suy nghĩ “mình là con người rác rưởi”, và một hôm nọ đã gặp được một người đàn ông nào đó tại nơi này. Nhưng người đàn ông đó không phải bởi sự khoái lạc về xác thịt mà đã yêu thương người dơ bẩn và xấu xa như cô một cách chân thành nên hai người đã yêu nhau. Nói chung thì cô ta cảm động đến nỗi “Anh ta yêu người đàn bà như mình, lẽ nào mình đang nằm mơ hay sao?”. Rồi hôm nọ người đàn ông đó đến và nói rằng: “Đừng nói gì mà hãy đi theo anh”. Nên cô đã theo anh ta về nhà, dù không tổ chức lễ kết hôn một cách chính thức nhưng sống như là vợ của người đàn ông đó và là con dâu của nhà đó. Người phụ nữ trẻ này nói chưa có lúc nào trong cuộc đời mình lại hạnh phúc như vậy. Mặc dù là cuộc sống miền quê nghèo nàn nhưng rất hạnh phúc. Nhưng dù đã hai năm trôi qua mà người phụ nữ này vẫn không thể sanh con nên ba mẹ chồng cứ hỏi: “Con ơi, chưa có tin gì à?”, “Có tin gì không?” và cứ chờ đợi. Không biết ra từ miệng ai nhưng cả gia đình đều biết được người phụ nữ này trong quá khứ đã làm gái mại dâm. Cha chồng biết, mẹ chồng biết, em trai chồng biết và em gái chồng cũng biết. Từ lúc đó nếu con dâu mang mâm cơm đi vào thì cha chồng ngoảnh mặt đi, người mẹ chồng từng kêu một cách thân mật: “Con ơi!” cũng không thèm nhìn mặt, em trai và em gái chồng đều không thèm nói chuyện.

Giờ đây đối với người phụ nữ này, cũng là ngôi nhà đó nhưng ngôi nhà đã biến thành địa ngục. Cô rất bất an nên không thể nào sống được. Đi đến nhà thờ thì sợ người khác nhìn nên ngồi ở đằng sau và lén về trước khi kết thúc thờ phượng, cũng không thể ra giếng nước vì những người khác cứ xầm xì. Người phụ nữ đó sống cô đơn một mình thì nghe nói ở núi Ji-ri có nhóm truyền giảng nên đã quyết tâm và đến đó. Người phụ nữ đó chứa đầy tấm lòng “Giá như mình có thể xóa được quá khứ của mình…”.

Chúa Jêsus đã rửa hết tội của người phụ nữ này và giống như Ngôi lời trong Kinh thánh Hê-Bơ-Rơ đoạn 10, Đức Chúa Trời hứa rằng sẽ chẳng còn nhớ đến tất cả mọi tội lỗi của người phụ nữ đó nên cô mừng quá không thể kiềm nén được nên đã rơi nước mắt như vậy. Sau này tôi được mục sư nhà thờ mà người phụ nữ đó đã từng đi, mời đến nên tôi đã tổ chức nhóm truyền giảng tại nhà thờ đó trong một tuần.

Đó là nhà thờ tập trung khoảng sáu bảy trăm người. Hôm nọ, tôi kết thúc nhóm và đi ra thì có ai đó níu áo của tôi. Tôi nhìn kỹ hóa ra là người phụ nữ ấy.

“Mục sư ơi, hôm nay là lần đầu tiên chồng tôi đến nhà thờ”.

Kể từ khi ấy tôi chưa gặp lại chị em đó. Tôi cũng chẳng biết tên nữa.

Thưa quý vị, thật sự người phụ nữ đó không có làm việc gì tốt mà chỉ sống dơ bẩn, xấu xa nhưng được rửa hết mọi tội bởi Chúa Jêsus và giờ đây chắc là đang sống đời sống tươi sáng, được phước trước mặt Chúa. Người đàn bà Sa-ma-ri cũng đã như vậy, người đàn bà tà dâm cũng đã như vậy, người thâu thuế cũng đã như vây và rất nhiều người khi đã có Chúa Jêsus thì không cố gắng hay chạy bôn ba để tự rửa tội của mình. Có nghĩa là Chúa Jêsus đến và làm hết tất cả mọi việc.

Nhưng thưa quý vị, ngày nay chúng ta có tấm lòng như thế nào? Họ hỏi lại rằng: “Mặc dù trong Kinh thánh là như vậy nhưng chúng ta không làm gì mà được hay sao? Chỉ nằm ngủ trưa và há miệng ngồi dưới gốc cây sung là được hay sao?”. Thưa quý vị, không phải là nghĩa như vậy.

Thưa quý vị, sáng hôm nay hãy bỏ suy nghĩ của quý vị và nghe kỹ Ngôi lời này. Vì sao Ê-sau lại bị rủa sả? Người rất nỗ lực sống theo Ngôi lời của Đức Chúa Trời, đã cố gắng và vất vả để làm theo những lời cha đã dặn nhưng kết quả là sự rủa sả. Thưa quý vị, nếu quý vị muốn sống theo Ngôi lời trong Kinh thánh thì quý vị chỉ có thể bị rủa sả mà thôi bởi vì chúng ta không thể nào sống theo Ngôi lời trong Kinh thánh.

Nếu quý vị có thể sống theo Ngôi lời trong Kinh thánh thì Chúa Jêsus có cần đến không? Dạ không. Nên Đức Chúa Trời đã cho Chúa Jêsus là con trai Ngài đến. Rê-bê-ca, người mẹ này là hình bóng của Chúa Jêsus. Người mẹ đã chuẩn bị hết tất cả để cho con trai nhiều tội lỗi và nhiều vấn đề này có thể đi đến trước mặt người cha và nhận được sự chúc phước. Có việc gì con trai này đã làm dù chỉ bằng móng tay không? Từ đầu đến cuối ai đã lập kế hoạch để cho con trai nhận được sự chúc phước? Chính người mẹ đã lập. Ai đã tiến hành kế hoạch? Người mẹ đã tiến hành. Khi con trai nói:

“Không được. Con không được”.

Thì người mẹ trả lời rằng:

“Con đừng nói gì mà chỉ làm theo những gì mẹ dặn. Mẹ sẽ làm cho con nhận được sự chúc phước”.

Và người mẹ đã làm hết. Nếu con trai này đi đến trước mặt người cha mà gặp phải việc không may thì người mẹ đã nói rằng sẽ trách nhiệm và chịu hết mọi sự rủa sả mà con sẽ nhận phải không? Và ai đã chuẩn bị món ăn người cha thích nhất mà Gia-cốp đã mang đến trước mặt cha? Người mẹ đã chuẩn bị. Người mẹ đã làm sao cho không có sự thiếu sót khi mang đến đưa trươc mặt cha.

Đối với chúng ta có hai loại tín ngưỡng. Có cách chính mình vất vả và nỗ lực để sống theo Ngôi lời của Đức Chúa Trời hoặc ngược lại.

“Dù con cố gắng sống theo Ngôi lời của Đức Chúa Trời cũng không được. Chúa Jêsus ơi, xin Ngài hãy làm cho”.

Rồi chờ Chúa Jêsus Christ làm cho và không thêm sức lực của mình, nỗ lực của mình, cách thức của mình mà lấy y nguyên những điều Chúa Jêsus đã làm bằng đức tin và đi đến trước mặt Chúa. Có hai cách thức như vậy.

Đa số mọi người đều nói rằng: “Tôi làm bằng đức tin, tin Chúa Jêsus chứ tôi có thể làm được gì? Tôi không thể làm được gì. Chúa Jêsus phải làm cho chứ”. Phải không? Nhưng dù không được mà họ vẫn nỗ lực và nếu không được rồi bị ngã thì lại nỗ lực nữa phải không? Vì thế trong sinh hoạt tín ngưỡng của chúng ta chỉ có thể liên tiếp bị sa ngã và vấp ngã. Quý vị đi đến một nhóm bồi linh nào đó, nhận được ân điển, cảm thấy vui và đức tin trở nên vững chắc nhưng không được mấy ngày thì lại biến mất nữa. Khi cầu nguyện trên núi lòng quý vị cảm thấy thật nóng cháy và đầy dẫy, khi nói tiếng lạ và nói tiên tri thì cảm thấy đức tin trở nên rất tốt đẹp nhưng vì là những điều quý vị làm nên trôi qua mấy ngày thì lại bị vấp ngã.

Mỗi năm khi đến ngày tết thì mọi người nói rằng: “Từ năm nay mình phải sinh hoạt tín ngưỡng giỏi. Mình phải thanh toán quá khứ” và bắt đầu bằng tấm lòng mới, họ cũng cầu nguyện suốt đêm nhưng cũng có người quyết tâm ba ngày, quyết tâm ba tuần, thậm chí cũng có người chỉ quyết tâm ba tiếng. Thật như vậy. Thưa quý vị, chúng ta sa ngã là điều đương nhiên và vấp ngã là điều hiển nhiên. Vì thế Đức Chúa Trời đã sai Chúa Jêsus Christ cho chúng ta.

Tôi mong quý vị hãy lắng nghe câu chuyện này. Cho tôi xin hỏi một điều. Sáng hôm nay, quý vị là những người giống như Gia-cốp hay giống như Ê-sau? Nếu nhìn theo phía con người thì Ê-sau trông thấy hiền lành hơn. Nhưng nếu có điều lành hay điều tốt của mình thì không thể chấp nhận những điều của Chúa Jêsus.

Quý vị hãy nhìn xem. Cái ly tôi đang cầm trên tay phải là một cái ly không có nước. Nhưng ly tôi đang cầm trên tay trái chứa đầy nước phải không? Chúng ta có thể đổ nước vào ly đã đầy không? Nhưng nếu đổ nước vào ly trống thì sẽ như thế nào? Nó có sự khác biệt gì? Tóm lại, khi tấm lòng của quý vị được trống thì ân điển của Chúa sẽ vào. Nhưng nếu tấm lòng của quý vị không trống và đầy bằng những điều quý vị làm giỏi trước mặt Đức Chúa Trời và những suy nghĩ: “Dù như thế này nhưng tôi là tín đồ từ trong bụng mẹ”, “Tôi là người có công thành lập nhà thờ của chúng tôi mà, khi bắt đầu lập Hội thánh nếu không có tôi thì không được. Tôi đã bán đất của tôi và xây Hội thánh mà…”, “Tôi đã thành lập viện mồ côi mà…”, nếu những suy nghĩ đó chiếm chỗ trong tấm lòng của quý vị thì không có chỗ để ân điển của Chúa vào. Vì Ê-sau đã làm giỏi từ trước, vì đã săn bắt và luôn làm cho người cha vui mừng nên nghĩ rằng hôm nay mình cũng săn bắt và làm tốt cho cha là được. Nhưng kết luận là sự rủa sả trái với suy nghĩ đó. Một bên, Gia-cốp không có gì làm giỏi trước mặt cha nên sợ đến trước mặt cha.

“Cha ghét con. Con có gì làm giỏi đâu mà được cha chúc phước chứ? Mẹ hãy để con yên đi. Để cho một mình anh được phước”.

Rê-bê-ca đã nói gì?

“Không đâu. Con đừng lo. Mẹ sẽ chịu trách nhiệm”.

Nên Gia-cốp chẳng làm gì mà chỉ mang những điều mà mẹ đã làm. Có những người nhờ cậy vào việc làm và nỗ lực của mình, có những người chính mình không có điều gì thiện nên bỏ những điều của mình xuống và chỉ nhờ cậy những điều của Chúa Jêsus.

Sáng hôm nay, tôi kiểm tra thử tấm lòng của quý vị được không? Xem xét thử tín ngưỡng của quý vị là tín ngưỡng như thế nào được không? Trong dịp này hãy kiểm tra thử xem. Giống như mình chẩn đoán sức khỏe thì hãy nhận chẩn đoán tín ngưỡng thử xem. Được không ạ? Vậy khi tôi hỏi thì xin quý vị hãy giơ tay bởi sự mách bảo của lương tâm. Hôm nọ quý vị đến Hội thánh để thờ phượng, lúc đó quý vị đã dâng hiến một phần mười nhiều, cầu nguyện và cũng đã phụ giúp. Nếu lúc đó quý vị đi đến trước Đức Chúa Trời thì cảm thấy như thế nào? Quý vị cảm thấy dạn dĩ phải không?

Nhưng giả sử, hôm nọ quý vị cãi nhau với vợ hay chồng của mình hoặc cãi nhau lớn tiếng với người sống ở nhà bên cạnh và đi đến trước mặt Đức Chúa Trời. Rồi không dâng hiến được một phần mười và cũng không vâng phục Ngôi lời của Đức Chúa Trời mà đến trước mặt Ngài. Nếu lúc đó quý vị đi đến trước mặt Đức Chúa Trời thì cảm thấy như thế nào? Cầu nguyện không được tốt lắm phải không? Đó chẳng phải là tín ngưỡng của quý vị hay sao? Vì điều gì mà quý vị đi đến trước mặt Đức Chúa Trời với niềm vui? Nếu không có niềm vui thì tại sao lại không có niềm vui? Nếu quý vị vui mừng khi việc làm của quý vị tốt và không vui mừng khi việc làm của quý vị xấu thì chẳng phải đó là chứng cứ về việc quý vị không phải là người nhờ cậy Chúa Jêsus mà là người tin và theo việc làm của quý vị hay sao?

Nhiều người đều nói bằng miệng rằng:

“Mục sư ơi, sao mục sư lại nói những lời như vậy? Tôi có làm việc gì mà đi đến trước mặt Chúa bằng việc làm? Tôi đi đến trước mặt Chúa bởi ân điển của Chúa Jêsus mà”.

Nhưng đa số mọi người khi đi đến trước mặt Đức Chúa Trời thì họ đều nhờ cậy vào việc làm của mình. Nhiều người đọc Kinh thánh như thế nào?

“Đa-vít đã đi đến trước mặt Gô-li-át một cách dạn dĩ. Chúng ta cũng hãy lấy sự dạn dĩ mà đi. Dù Giô-sép bị giam trong tù cũng không từ bỏ tín ngưỡng. Chúng ta cũng đừng từ bỏ tín ngưỡng”.

“Ma-ri Ma-đơ-len gặp Chúa Jêsus trong khi rất khó khăn. Chúng ta cũng hãy làm như vậy. Chúng ta cũng hãy yêu thương nhau đi”.

Có nhiều người nói như vậy. Kinh thánh không phải dạy cho chúng ta như vậy. Thưa quý vị, Kinh thánh không phải nói chúng ta làm như vậy mà bởi vì không làm được bởi việc làm của mình nên khi nói: “Đức Chúa Trời ơi, con không thể làm” thì có thể làm được bởi sự giúp đỡ của Chúa Jêsus, mà Kinh thánh muốn nói cho chúng ta điều đó. Những người cho rằng mình có thể làm được điều gì đó thì không thể nhận được sự giúp đỡ của Chúa Jêsus.

Hôm nọ, Chúa Jêsus đã nói về sự cầu nguyện của người thâu thuế và người Pha-ri-si. Người thâu thuế đã nói rằng:

“Chúa ơi, xin hãy thương xót cho con. Con là kẻ tội nhân”.

Có phải không ạ? Khi người thâu thuế cầu nguyện, không phải ông ta thú nhận từng tội từng tội của mình là “Con đã tà dâm. Con đã ăn trộm” mà đã thú nhận bản chất mình là kẻ tội nhân, giống như Ngôi lời tối hôm qua.

“Con là tội nhân. Đối với con chẳng có điều gì thiện cả”.

Nhưng người Pha-ri-si đã cầu nguyện rằng: “Con đã làm giỏi điều này, điều này. Con cũng đã làm giỏi điều kia”.

Vì thế Đức Chúa Trời không ban sự công bình cho người Pha-ri-si mà chỉ ban sự công bình cho người thâu thuế. Vì người Pha-ri-si suy nghĩ mình là công bình nên không thể nhận được sự công bình từ nơi Đức Chúa Trời. Vì thế khi người thâu thuế đến thì đến với tư cách là tội nhân nhưng khi về thì trở thành người công bình và về, còn người Pha-ri-si đến thì nghĩ rằng mình là người công bình nhưng khi về thì về y nguyên tội nhân. Trong Kinh thánh được thể hiện y nguyên như vậy phải không?

Sáng hôm nay, hình như câu chuyện trở nên hơi khô khan. Nhưng thưa quý vị, tôi mong quý vị hãy lắng nghe. Chúng ta hãy tiếp tục nói chuyện thêm nữa. Khi Gia-cốp đi đến trước mặt người cha để nhận sự chúc phước thì có điều kiện phải được đáp ứng. Thứ nhất, Gia-cốp đã che chính mình và đi đến trước mặt cha, đã lấp hết toàn bộ chính mình. Nếu khi Gia-cốp đi đến trước mặt cha mà bị lộ ra chính mình dù chỉ là một ít thì sẽ bị như thế nào? Chắc là sẽ bị rủa sả. Vì Gia-cốp, chính mình đã được che một cách toàn diện nên mới có thể nhận được phước.

Thưa quý vị, lần này tôi đến Pu-san và tổ chức nhóm truyền giảng đã tốn rất nhiều tiền. Mặc dù tôi không biết rõ số tiền này được chuẩn bị như thế nào nhưng tôi biết rằng vì có các tín đồ nào đó đã dâng hiến mà không tỏ ra mình nên đã chuẩn bị được hết tất cả mọi thứ cần thiết đến khi kết thúc nhóm truyền giảng này. Khi chúng tôi quảng cáo trên ti vi, bằng dâng hiến rất nhiều người đã chịu các chi phí cần thiết. Và nhiều người cũng đã chịu trách nhiệm chi phí khi làm tờ rơi, băng rôn và giấy quảng cáo. Điều thật cảm ơn là nhiều người như vậy dâng hiến mà không một người nào tỏ ra mình đã dâng hiến và đã giấu mình mà dâng hiến. Tối hôm qua chúng tôi cũng đã đặt thùng dâng hiến ở phía sau mà chúng tôi không hề biết ai đã dâng hiến nhưng rất nhiều người đã dâng hiến với ân điển và sự cảm ơn. Thưa quý vị, dâng hiến đó hoàn toàn khác với dâng hiến mà tỏ ra chính bản thân mình.

Đa số mọi người sinh hoạt tín ngưỡng mà chính mình bị che và giấu thì nhận được sự chúc phước trước mặt Đức Chúa Trời nhưng nhiều người đang làm sự việc tỏ ra chính mình. Dù dâng hiến hay tặng Hội thánh cây đàn piano hay làm bục giảng thì cũng đều tỏ ra ai đã làm. Khi tỏ ra những sự việc chúng ta đã làm thì không phải chỉ tỏ ra những điều tốt mà phải tỏ ra những điều ác chứ.

Thưa quý vị, lần này hình ảnh của tôi đã được đưa lên quảng cáo trên ti vi và tờ rơi. Nếu không muốn đưa hình của mục sư Park Ock Soo thì không đưa chứ sao lại đưa mắt của mục sư Park Ock Soo lên vì mắt của mục sư Park Ock Soo đẹp? Vì miệng của mục sư Park Ock Soo to và đẹp nên chỉ cắt miệng là đưa lên hình thôi sao? Thưa quý vị, có làm như vậy không? “Vì mũi của mục sư Park Ock Soo đẹp nên chúng ta hãy đưa mũi cao của mục sư Park Ock Soo lên quảng cáo”. Làm như vậy thì không được. Dù đẹp hay xấu thì cũng đưa hết toàn bộ khuôn mặt của tôi lên. Giống như vậy, khi tỏ ra trước mặt Đức Chúa Trời, chỉ tỏ ra những điều mình làm giỏi thì tốt nhưng những điều mình làm sai cũng đều bị tỏ ra và những điều xấu xa, dơ bẩn cũng đều bị lôi ra hết nên khi đến trước mặt Đức Chúa Trời, chính mình phải được che giấu. Quý vị hiểu không? Dù quý vị dâng hiến trước mặt Đức Chúa Trời, dâng hiến mà chính mình được tỏ ra thì không thể trở thành việc dâng hiến mà Đức Chúa Trời vui mừng được. Nếu Hội thánh của quý vị cần đàn piano thì tặng piano và nếu cần bục giảng thì tặng bục giảng nhưng đừng lấy tên của quý vị làm mà hãy làm bằng tên của Chúa Jêsus dù là bất cứ điều gì. Hãy che giấu chính mình.

Tín ngưỡng của nhiều người Hàn Quốc chúng ta bị sai lệch mà đó chính là những điều như thế này. Có những người dâng hiến mà viết rằng: “Đức Chúa Trời là Cha của con, con xin cảm ơn Ngài vì đã làm cho con có thể mở tiệm cắt tóc vào lần này. Họ Kim gì đó” và đã dâng hiến cảm tạ, rồi mục sư đứng trên bục giảng và thông báo rằng: “Lần này chấp sự họ Kim gì đó đã mở tiệm cắt tóc ở đường Sin-sa-dong Kang-nam nên đã dâng hiến cảm tạ”. Đây là hình bóng của tôn giáo đang dần trở nên bại hoại.

“Đức Chúa Trời ơi, con cảm ơn Ngài đã làm cho con trai chúng con đi Mỹ và nhận được bằng tiến sĩ vào lần này”.

Họ vừa dâng hiến vừa khoe con trai mình. Không biết là Đức Chúa Trời sẽ nhìn thấy việc đó giả tạo biết bao.

Thưa quý vị, tối hôm nay thùng dâng hiến cũng sẽ được đặt ở đằng sau mà nếu trong số quý vị có lòng cảm ơn chân thành vì đã nhận ân điển thì xin hãy giấu quý vị và dâng hiến để đưa sự vinh hiển lên cho Chúa Jêsus. Có nghĩa là Đức Chúa Trời mong muốn điều đó. Trong nhà thờ Hàn Quốc ngày nay, con người được tỏ ra rất mạnh. Vì con người được tỏ ra quá nhiều nên không có khe hở để Đức Chúa Trời được tỏ ra. Có nghĩa là không có nơi nào để Đức Chúa Trời hành động. Điều kiện thứ nhất mà Gia-cốp nhận được sự chúc phước trước mặt cha là đã che chính mình.

Thưa quý vị thân mến, hôm nay vào giờ này cũng chưa muộn. Nếu quý vị đã khoe hay tỏ ra dù là những điều nhỏ hoặc có những điều chưa tỏ ra nhưng đã từng có tấm lòng đó thì quý vị hãy cảm thấy xấu hổ và che giấu chính mình. Những điều quý vị làm sai, những điều quý vị làm giỏi đều phải được giấu. Gia-cốp được che bằng lông dê con nên dù rờ cũng không biết là Gia-cốp. Giống như vậy, bản thân chúng ta cũng phải được che lại hoàn toàn. Bởi điều gì? Bởi công lao của Chúa Jêsus Christ, chúng ta phải được che giấu. Khi Đức Chúa Trời nhìn chúng ta thì không có điều gì của chúng ta đáng được tỏ ra mà phải để cho Đức Chúa Trời chỉ nhìn thấy những điều của Chúa Jêsus đã làm.

Có người đi đến trước mặt Đức Chúa Trời là Cha và nhận sự chúc phước thì khi người đó lên nước thiên đàng, người đó sẽ nói gì?

“Con chẳng có công lao gì cả”.

Không phải nói chỉ bằng miệng mà sẽ nói từ trong lòng rằng:

“Con chẳng làm gì cả”.

Con người nói rằng:

“Trời ơi, tôi đã làm gì đâu? Không có việc gì tôi làm cả”.

Thái độ đó dường như khiêm tốn nhưng thầm kín tỏ ra chính mình là điều thật sự giả tạo trước mặt Đức Chúa Trời, là điều ác trước mặt Đức Chúa Trời và là điều dơ bẩn.

Vào thời Chúa Jêsus cũng vậy, họ bố thí một ít là thổi kèn inh ỏi “Bam ba ra bam”. Họ cho rằng mình đã bố thí một ít cho người nghèo và thổi kèn “Bam ba ra bam” ở ngoài đường. Chúa đã phán rằng họ đã nhận phần thưởng của mình rồi. Ngài phán rằng Ngài không nhận cầu nguyện với dáng vẻ nhân đức và kêu “Đức Chúa Trời ơi!” khi họ đứng cầu nguyện ở ngoài đường. Chúng ta phải được che giấu một cách triệt để. Phải không có điều gì đưa ra trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt con người.

Vì sao con người lại bị rủa sả? Vì chính mình tự tin nghĩ rằng mình làm giỏi. Tấm lòng của Ê-sau nghĩ rằng: “Gia-cốp, nó chẳng biết săn bắt gì còn mình tự tin là mình sẽ săn được”. Có lòng tự tin thì được gì? Không thể làm giỏi hơn việc bắt những gì ở trong nhà, phải không? Gia-cốp đã che toàn bộ chính mình.

Thứ hai, không đi đến trước mặt cha bằng tên của mình mà đã nhờ cậy tên của anh. Thưa quý vị, khi chúng ta đi đến trước mặt Đức Chúa Trời chúng ta phải nhờ cậy tên của ai? Chúng ta phải nhờ cậy tên của Chúa Jêsus Christ là người anh của tín ngưỡng chúng ta và là Con cả của Đức Chúa Trời.

Không phải là:

“Đức Chúa Trời ơi, con đã dâng hiến giỏi nên xin Chúa hãy nhận con. Vì con đã cầu nguyện giỏi nên xin hãy nhận con”.

Mà là:

“Đức Chúa Trời ơi, dĩ nhiên con đã dâng hiến nhưng điều đó không đáng để lập con mà đối với con chỉ có những điều dơ bẩn và xấu xa. Con nhìn thấy con là người dơ bẩn và gian ác huống chi Đức Chúa Trời thấy thì như thế nào? Con thật là xấu xa. Con thật là dơ bẩn. Con thật là giả tạo. Đức Chúa Trời ơi, xin Ngài đừng nhìn con mà hãy nhìn Chúa Jêsus và nhận con. Dù con cố gắng để làm tốt cũng không được nên xin Chúa đừng nhìn con mà chỉ nhìn Chúa Jêsus Christ, nhìn những sự việc Chúa Jêsus làm như là con làm và xin hãy nhận con”.

Đây mới là tín ngưỡng chân chính. Ngày nay nhiều người nói là đang tin Đức Chúa Trời nhưng họ có quá nhiều sự thỏa mãn về chính mình và có nhiều sự mong đợi vào bản thân mình. “Nếu mình quyết tâm và cương quyết thì chắc là sẽ làm cho Đức Chúa Trời vui mừng được chứ?”. Không được. “Nếu mình cố gắng thêm nữa thì Đức Chúa Trời sẽ vui mừng chứ?”. Không được. Vì chúng ta chỉ có thể bị chết nên dù mình làm gì cũng không được. Chúng ta phải biết điều đó thì mới nhờ cậy đến Chúa Jêsus Christ.

Có một thanh niên đang cần số tiền mười triệu. Nếu không có mười triệu thì sẽ chết nên đã đến mượn tôi tiền. Tôi nói: “Tôi không có tiền mà…” để không cho mượn tiền. Nếu thanh niên này có chỗ khác để mượn tiền ngoài tôi thì người đó có ngượng nghịu mà nói với tôi nữa không?

“Vậy thì thôi. Tôi sẽ đi chỗ khác xem”.

Nhưng nếu thanh niên này không có chỗ nào mượn tiền thì chẳng phải dù sống hay chết anh ta cũng sẽ nài xin tôi hay sao? Chúng ta nhận ân điển của Chúa Jêsus là như vậy. Những người suy nghĩ: “Nếu mình làm giỏi, làm như thế này thì có thể được” thì không nhờ cậy Chúa Jêsus một cách hoàn toàn. Nếu kết luận về chính mình là không còn điều gì mong đợi nữa và kết luận đó được lập một cách chắc chắn trong lòng thì lúc đó sẽ hết lòng nhờ cậy Chúa Jêsus. Có nghĩa là sẽ hết lòng mong đợi Chúa Jêsus. Những người như vậy sẽ nhận được sự cứu rỗi ngay tức khắc.

Khi tôi dẫn dắt nhóm truyền giảng, trong thời gian thông công về tín ngưỡng, có lúc tôi tập trung mười người, hai mươi người và nói về điều nhận được sự tha thứ tội lỗi. Sau khi tôi nói một cách chi tiết thì có người nhận được sự tha thứ tội lỗi và mừng quá đến nỗi không biết phải làm sao nên nói “Ha-lê-lu-gia”. Tối hôm qua sau khi tôi giảng xong và định đi xuống thì có một người phụ nữ trẻ bồng con đến với tôi và nói: “Mục sư ơi, lúc nãy mục sư nói hãy đứng dậy đi đến phía trước mà vì con tôi nên tôi không thể đi được. Xin mục sư hãy giảng Ngôi lời cho tôi” nên tôi đã nói chuyện với người đó. Lúc đó khoảng năm sáu người xúm lại xung quanh tôi nên tôi đã nói chuyện cùng với họ. Tôi nói về Chúa Jêsus đã rửa sạch tội của chúng ta như thế nào, tội lỗi chúng ta được chuyển qua Chúa Jêsus như thế nào, tội lỗi của chúng ta trở nên trắng như tuyết như thế nào, sự chuộc tội đời đời được thực hiện như thế nào. Sau khi nói xong, có người thì gật đầu, có người thì vui mừng quá không biết phải làm sao, khi tôi thấy điều đó thì tôi cũng vui quá nên cũng không buồn ngủ. Chà! Thật là vậy. Tôi không buồn ngủ. Vì quá cảm ơn. Mình được sử dụng trong việc của Đức Chúa Trời là dẫn dắt các linh hồn bị chết trong thế gian này đến với sự sống ư? Thật cảm ơn biết bao! Vì thế tôi làm chứng với quý vị đến nỗi khan cả cổ.

Thưa quý vị thân mến, nếu quý vị đến trước mặt Chúa Jêsus với tấm lòng chân thật rằng:

“Đối với tôi chẳng có hy vọng gì. Đối với tôi không có điều thiện. Tôi chẳng có gì làm giỏi. Tôi chỉ có thể bị chết thôi” thì hôm nay quý vị đều có thể nhận được sự tha thứ tội lỗi và đi về. Có người có tấm lòng “Dù vậy nhưng mình làm giỏi cái này mà, chấp sự Kim đúng là đồ xảo trá. Nói rằng mình là tín đồ mà hình như chẳng ra gì cả. Còn mình cũng hơi thành thật”. Những người như vậy cũng đã nghịch Chúa Jêsus vào thời Chúa Jêsus, đã không chấp nhận Chúa Jêsus. Có nghĩa là họ đã thật sự không nhờ cậy Chúa Jêsus.

Vì Gia-cốp không có điều kiện gì để có thể đi đến trước mặt cha nên chỉ có thể nhờ cậy mỗi mình mẹ nhưng Ê-sau có điều kiện để có thể đi đến trước mặt cha. “Mình đi săn rồi nấu ăn và đi đến trước mặt cha là được chứ gì. Cần gì phải nhờ cậy mẹ”. Theo kết quả đó, Ê-sau đã bị rủa sả.

Thưa quý vị, những câu chuyện này là Ngôi lời để dạy cho chúng ta về thái độ của tấm lòng khi sinh hoạt tín ngưỡng ngày nay. Thưa quý vị, quý vị nghĩ nếu Kinh thánh này mỏng thì không có xứng tầm nên Đức Chúa Trời bỏ những câu chuyện này vào để làm dày Kinh thánh hay sao? Không phải như vậy mà là vì trong từng lời từng lời một, từng Ngôi lời, từng Ngôi lời một có chứa tấm lòng của Đức Chúa Trời thật sự tha thiết muốn nói với chúng ta. Nhưng nhiều người không biết sự thật này mà nghĩ rằng chỉ cố gắng và nỗ lực là được. Có rất nhiều người không biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Lần này tôi đến đây để truyền ý muốn của Đức Chúa Trời cho những người dân Pu-san. Ở Pu-san có nhiều mục sư tài giỏi, có nhiều tiến sĩ thần học và cũng có nhiều người mục sư giỏi giang mà tôi biết.

Tôi không phải là người tài giỏi và cũng không phải là người đi ra nước ngoài lấy bằng tiến sĩ lớn lao. Ngày xưa tôi là một người thật xấu xa. Hôm nọ, tôi băn khoăn vì tội lỗi và phát hiện ra “Mình là con người chỉ có thể bị chết”, lúc đó tôi đã biết được bí mật quý báu của huyết Chúa Jêsus. Chúa đã rửa sạch tội của tôi từ đầu đến chân trắng như tuyết. Vào lúc tôi nhận sự tha thứ tội lỗi, Chúa Jêsus đã vào trong lòng tôi. Từ lúc đó, tôi được thay đổi và Chúa đã nắm giữ tôi. Không phải tôi sinh hoạt tín ngưỡng giỏi vì tôi có đức tin tốt mà là vì Chúa Jêsus nắm giữ tôi nên tôi có thể sinh hoạt tín ngưỡng. Không phải tấm lòng tôi vững chắc nên không phạm tội mà là vì Chúa Jêsus ban cho tôi sức mạnh để thắng tội lỗi. Tôi chỉ có thể thú nhận rằng nếu Chúa Jêsus không nắm giữ tôi thì ngay cả ngày hôm nay tôi là người chỉ có thể bị rơi xuống cống.

Thưa quý vị thân mến, xin hãy tỏ ra chính mình. Không phải là quý vị hét lên những phần xấu xa của quý vị tại chỗ này để cho mọi người biết mà là hãy công nhận trong lòng của quý vị rằng quý vị xấu xa. Hãy bỏ tấm lòng “Mình đâu có như vậy”. Những người có tấm lòng “Giờ đây mình không được rồi. Mình chỉ có thể bị chết thôi. Chúa Jêsus phải cứu mình chứ mình thì không được. Mình nỗ lực cũng không được. Vất vả cũng không được. Cố gắng cũng không được” thì trong thời gian này, Chúa Jêsus sẽ tìm đến.

Gia-cốp chẳng làm gì cả. Người đàn bà phạm tội tà dâm đã làm gì khi được tha thứ tội lỗi? Kẻ cướp trên thập tự giá đã làm gì khi lên thiên đàng? Chỉ có phát hiện ra rằng mình là con người chỉ có thể bị chết. Chúa Jêsus luôn tìm đến những người như vậy và cho phép con đường của sự cứu rỗi. Thưa quý vị, quý vị là thành viên trong ca đoàn? Hay là giáo viên dạy trường chủ nhật? Hay là tín đồ đã được báp-têm? Hay là chấp sự? Quý vị phải phát hiện ra rằng những người suy nghĩ: “Dù như thế nhưng mình thì không” là những người ở xa nhất với Chúa.

Nếu có người nào nghĩ rằng: “Con là kẻ tội nhân chỉ có thể bị chết thôi. Chúa ơi, xin Chúa hãy thương xót cho con” thì tôi tin rằng hôm nay, vào thời gian này người đó sẽ gặp Chúa ngay lập tức.

Đức Chúa Trời đang cho chúng ta thấy bí mật sâu sắc thông qua Gia-cốp và Ê-sau. Thưa quý vị thân mến, thời gian đã trôi qua rất nhiều. Dù liếm vỏ dưa hấu bao nhiêu cũng không biết vị thật của dưa hấu. Dù nhai vỏ hạt dẻ bao nhiêu cũng không biết được vị của hạt dẻ thì giống như vậy nếu chúng ta chỉ biết cái vỏ của Kinh thánh thì không bao giờ có ích cho chúng ta. Khi phát hiện ra bí mật thuộc linh được che giấu trong Kinh thánh, tôi tin rằng lúc đó quý vị sẽ biết ý muốn của Đức Chúa Trời và sống đời sống được phước.

Bình luận về bài viết này